Nhà cộng đồng thôn Nậm Đăm
Nậm Đăm - một làng dân tộc thiểu số tại huyện Quản Bạ, Hà Giang, cực bắc Việt Nam.Tồn tại trên những đỉnh núi, được bao bọc bởi rừng già nguyên sinh và ruộng bậc thang tuyệt đẹp, ngôi làng có bản sắc văn hóa vô cùng phong phú, đặc trưng bởi: trang phục, lễ hội, nghề thổ cẩm truyền thống, ẩm thực, tắm lá để tăng cường sức khỏe và họ biết cách sử dụng vật liệu tại chỗ xây nhà tường trình đất để ứng phó với tự nhiên.
Tuy vậy, cuộc sống người dân nơi đây vẫn nghèo, vô cùng khó khăn khi bị cô lập bởi những dãy núi cao, không có sự kết nối với nhau và các cộng đồng khác, trẻ em không được đi học, nhà ở liền với chuồng gia súc làm cho môi trường sống ô nhiễm, dịch bệnh lây lan. Mỗi năm chỉ có duy nhất một vụ thu hoạch hoa màu do đất nông nghiệp hạn chế, khí hậu khắc nghiệt. Trước tình hình đó, cộng đồng làng đã “tự cứu lấy mình” bằng cách phối hợp với các Kiến trúc sư, tổ chức NGO Caritas Thụy Sỹ để di dời xuống núi, xây dựng ngôi làng mới thành một quần cư nhằm phát triển du lịch, cải thiện chất lượng cuộc sống, duy trì và phát huy bản sắc.
Từ 2009 đến 2015, 50 ngôi nhà được xây, phục vụ thiết thực đời sống và thúc đẩy du lịch.
KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG - XÂY DỰNG BỀN VỮNG
Quy hoạch từng cụm nhà: 4-6 nhà quây quần bên nhau, hỗ trợ nhau khi hoạn nạn, họ đào 1 cái ao lấy đất làm nhà, chuồng trại và hệ thống bioga dùng chung, được quy hoạch cùng một chỗ để tiết kiệm & hiệu quả hơn, tạo ra một quần cư đoàn kết gắn bó.
Để xây dựng nhanh và tiết kiệm, dân làng đã “cho nhau vay ngày công lao động”, chia thành các nhóm thợ tự giúp nhau xây nhà.
KIẾN TRÚC TIÊN TIẾN BẢN SẮC
4 mẫu nhà điển hình được thiết kế khắc phục hạn chế của mẫu nhà cổ, vừa đảm bảo tính đa dạng kiến trúc, phù hợp kinh tế, linh hoạt trong không gian sử dụng vừa tiện nghi.
- Nhà lớn: Kiến trúc cách tân, tường đất dày 80cm kết hợp với các chất liệu hiện đại, tầng 1 là không gian sinh hoạt của gia đình và giao lưu cộng đồng, tầng 2 có 3 phòng ngủ tiện nghi phục vụ đối tượng khách du lịch tầm cao. Không gian linh hoạt kết nối trước - sau, trên - dưới bằng các khoảng hiên, thông tầng, tấm lợp lấy sáng. Hệ mái vát, gấp khúc cách tân tượng trưng cánh én hay nhịp điệu của núi đồi (Chim én thường làm tổ dưới mái nhà, họ quan niệm chim én sẽ đem lại may mắn), mái vát cũng giúp nhiều ánh sáng hơn và mở rộng góc nhìn ra cánh đồng bao la. Tổng chi phí khoảng US$ 25000 xây dựng trong 4,5 tháng.
- Nhà vừa: Được thiết kế phục vụ cho những đoàn khách lớn trên 10 người. Tầng một là không gian ăn uống sinh hoạt, tầng 2 là không gian ngủ, vách ngăn di động ngăn chia các gian to nhỏ khác nhau, phục vụ đa dạng nhu cầu sử dụng. Kinh phí xây dựng khoảng US$ 4000 trong 3 tháng.
- Nhà nhỏ: Giữ nguyên các yếu tố kiến trúc dân tộc và khắc phục được các hạn chế của nhà cổ: thiếu ánh sáng, mất vệ sinh, ô nhiễm không khí. Mẫu nhà phục vụ cho các gia đình cơ bản, không có nhu cầu kinh doanh homestay. Kinh phí xây dựng khoảng US$ 2000 trong 2 tháng.
- Nhà cải tạo: Tận dụng tính chất “co giãn” vật liệu, dễ tái sử dụng của gỗ và đất, những ngôi nhà cũ được cải tạo, cơi nới phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình và làm homestay.
PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Từ những gia đình cô lập trên đỉnh núi, không có việc làm và thu nhập ổn định, phải bám trụ vào thiên nhiên thì nay, sau 6 năm “Làng đất” hình thành bước đầu đã góp phần ổn định cuộc sống cư dân trên chính nền tảng kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa văn hóa. Hy vọng mô hình “nông thôn mới” sẽ được nghiên cứu, rút kinh nghiệm, áp dụng cho địa phương khác