Người theo đuổi triết lý kiến trúc vì hạnh phúc bền vững
Liên tục ghi dấu ấn qua nhiều cuộc thi kiến trúc quốc tế lớn, Hoàng Thúc Hào là một trong những kiến trúc sư (KTS) đã góp phần ghi dấu ấn Việt Nam trên thế giới với nhiều công trình kiến trúc hướng đến cộng đồng và văn hóa. Một trong những điều khác biệt tạo nên dấu ấn không nhầm lẫn vào đâu của KTS này nằm ở triết lý thiết kế nhất quán mà anh gọi là ngạc nhiên bền vững và kiến trúc hạnh phúc, để đi đến cái đích cuối cùng là tạo ra một cộng đồng hạnh phúc. Những từ ngữ nghe có vẻ lạ tai này, thực ra, không phải là điều quá cao siêu, xa lạ, nó là những giá trị đã trường tồn hàng nghìn năm.
Văn hóa – cốt lõi của sự độc nhất và khác biệt
Thưa anh, nhắc đến KTS Hoàng Thúc Hào, thấy hầu như các công trình của anh đều hướng đến cộng đồng và văn hóa. Hành trình này của anh đã bắt đầu như thế nào?
Công trình đầu tay của tôi gắn với làng gốm Bát Tràng. Làng nghề là một trong những nét đặc trưng nhất của văn hóa Việt Nam. Đó là công trình nhằm giải quyết thực trạng ô nhiễm tại làng nghề này vào những năm 90. Khi ấy, với tập quán của làng nghề truyền thống, sự thiếu hợp lý trong quy hoạch khiến người dân sống trong ô nhiễm. Chúng tôi đưa ra giải pháp kiến trúc phù hợp với điều kiện thu nhập của người dân, tại một giao tuyến ở giữa bốn nhà, làm một cái ống khói chung. Xung quanh đó trồng cây. Vật liệu xỉ thải gom vào làm gạch. Nhiệt thừa của ống khói dùng để sinh hoạt, đun nước sôi, nấu cơm, sưởi cho mái và sấy cho sản phẩm thô của xưởng… Chúng tôi tạo ra một hệ thống cân bằng sinh thái, khơi lại kênh Long Nhãn, ao ngày xưa làm thành một cái ao vòng qua làng nối sông Hồng với sông Bắc Hưng Hải, trên bến dưới thuyền, thành một kênh để đưa gió, đưa nước vào.
Để giải được bài toán đó, hẳn cần đến khối lượng kiến thức rất tổng hợp, không chỉ là kiến trúc đơn thuần?
Đúng vậy, đó là những bài học vỡ lòng của tôi trong xu hướng kiến trúc tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Chúng tôi cũng bắt đầu bước vào con đường này từ đó. Năm 1994, công trình Bát Tràng đạt giải kiến trúc, chúng tôi lại bắt tay vào làm công trình cải tạo nhà tù Hỏa Lò thành Quảng trường khoan dung, dỡ bức tường Hỏa Lò và biến nó thành một quảng trường, nơi những cựu chiến binh có thể đến và chia sẻ với thế hệ tương lai. Công trình này giúp tôi đạt giải thưởng của Hội KTS Quốc Tế UIA – PARIS 1996.
Hắn là với một KTS để có được những công trình thiết thực, mới lạ, việc tự quan sát và tìm ra vấn đề để giải quyết là rất quan trọng?
Đúng vậy, luôn luôn là hành trình phát hiện và giải quyết vấn đề. Cùng với đó là tầm nhìn.
Gần đây, nhiều công trình đạt giải thưởng lớn trên thế giới của anh đều là nhà cộng đồng cho dân tộc thiểu số, những ý tưởng này đã đến như thế nào, thưa anh?
Đến một cách rất bình thường. Sau nhiều công trình tác phẩm nằm trên giấy, tôi nghĩ, đã đến lúc phải làm cái gì thật. Kiến trúc không phải là bài hát, bức tranh, cần phải triển khai trên thực tế. Tuy nhiên, tiêu chí là phải nhỏ vì mình tự bỏ tiền ra xây, bên cạnh đó muốn tạo một kênh để đi ra thế giới thì phải làm công trình có tính biểu tượng văn hóa Việt Nam, những điều đó chủ yếu nằm ở nông thôn. Trước tôi và một số người bạn có mua một mảnh đất ở Suối Rè, Hòa Bình, ở đó có đến 80% là người Mường. Chúng tôi suy nghĩ, mình cần phải làm một công trình nào đó để hội tụ được yếu tố văn hóa, người dân sẽ thường xuyên sử dụng thì công trình mới sống được. Vậy là nhà cộng đồng – như một đình làng kiểu mới, được chúng tôi nghĩ đến. Khảo sát thêm thì chúng tôi phát hiện ra, trong vùng đó có một nhà mẫu giáo suốt ngày ngập lụt dưới ruộng, trời mưa là học sinh phải nghỉ. Thế là chúng tôi đặt vấn đề để học sinh mẫu giáo có thể học ở đấy, còn người dân thì có thể sinh hoạt, hội họp. Ngoài ra, ngôi nhà được xây trên triền đồi, tựa vào khán đài, bà con có thể ngồi đó để xem bóng chuyền… Ngôi nhà cũng được thiết kể để phù hợp với cả văn hóa của người Mường và người Kinh. Dự án này chúng tôi bỏ ra 100% kinh phí. Cứ thế, các ý tưởng dành cho nhà cộng đồng của dân tộc thiểu số liên tục ra đời, cho đến ngày hôm nay, đi ra khắp thế giới, bùng nổ đến mức bản thân tôi cũng không thể ngờ được. Từ những công trình của mình, những trải nghiệm trên hành trình khám phá văn hóa bản địa, chúng tôi tổng kết ra lý thuyết kiến trúc hạnh phúc và ngạc nhiên bền vững.
“Ngạc nhiên bền vững” là lý thuyết nghe rất lạ tại, anh có thể chia sẻ rõ hơn về khái niệm này?
Ngạc nhiên bền vững là một loại ngạc nhiên chậm, sinh ra trong quá trình vận hành thụ hưởng không gian đô thị đó một cách có ý thức trong dài hạn. Ngạc nhiên bền vững cũng là triết lý kiến trúc hướng đến việc bảo vệ sự đa dạng của vũ trụ. Toàn cầu hóa mang đến nhiều lợi ích nhưng đi cùng với đó là không ít mặt trái như ô nhiễm môi trường, mất đi sự đa dạng. Cứ thử nhìn xem, Sài Gòn, Bangkok, Thâm Quyến và Dubai giống nhau, đặc biệt, với những cộng đồng thiểu số yếm thế thì họ càng có nguy cơ bị mất đi, thậm chí là triệt tiêu, vậy thì làm cách nào để kiến trúc có thể bảo vệ sự đa dạng nói chung của cả trái đất và những cộng đồng yếm thế nói riêng, đó chính là kiến trúc của chúng tôi. Hội An có thể coi là một điển hình của kiến trúc ngạc nhiên bền vững. Sau nhiều thế kỷ, Hội An vẫn rất hấp dẫn. Với những cộng đồng yếm thế, họ cũng có quyền có kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, các dự án của nhà nước như: tái định cư, nhà chống lũ…người ta phải làm những dự án lớn, tốc độ nhanh, tiết kiệm chi phí để giải quyết nơi ở cho người dân, trong trường hợp này, bản sắc là một thứ xa xỉ. Công trình của chúng tôi đóng vai trò tiếp biến văn hóa theo phương thức 1+1> 2. Tri thức hàn lâm hiện đại tiên phong là 1, cốt lõi dân gian là 1. Làm thế nào để phép cộng đó lớn hơn 2? Để làm được điều đó, cần những kiến trúc sư dấn thân.
Vậy ai sẽ là người thụ hưởng sự ngạc nhiên đó?
Tất cả mọi người, bao gồm cả cộng đồng bản địa, người thiết kế, người tham quan. Điều quan trọng là người dân không ngừng tự hào về cái họ có. Hãy tưởng tượng người dân Hội An ngày nay, họ vẫn sống tốt, kiếm được tiền, được ăn bánh Pizza hay nghe nhạc Jazz và hội nhập với thế giới. Kiến trúc Hội An vẫn hấp thụ được những nét đặc trưng văn hóa trong cuộc sống hiện đại.
Nhưng sẽ như thế nào nếu 10 – 20 năm nữa sẽ có những kiến trúc sư khác vào và họ không còn đi theo triết lý của anh nữa?
Điều đó còn do việc quản lý và sự phát triển của xã hội nữa, nhưng tôi tin là phương pháp của chúng tôi sẽ luôn luôn đúng, vì nếu không sẽ mất đi sự đa dạng. Mỗi kiến trúc sư có một cách làm khác nhau, nhưng anh không thể phủ nhận sự cần thiết của việc kết hợp giữa dân gian và hiện đại. Ví như Paris, mặc dù liên tục bồi thêm cái mới, nhưng nơi đó vẫn là biểu tượng của ngạc nhiên bền vững, bởi ở đó họ có một ý thức về ngạc nhiên bền vững. 4-5 tháng gần đây, tôi nghiệm ra một điều quan trọng: Tạo ra kiến trúc ngạc nhiên bền vững chỉ là một phần câu chuyện, quan trọng hơn và khó khăn hơn nhiều lần là làm thế nào để truyền cảm hứng và xây dựng một ý thức ngạc nhiên bền vững trong xã hội. Chỉ khi thế hệ sau đứng chắc trên nền thế hệ trước đã xây, có tính kế thừa, khi ấy ngạc nhiên bền vững sẽ có sức mạnh vô cùng lớn.
Ít nhất thì tại thời điểm này, mình đã gieo một hạt giống về ngạc nhiên bền vững, đúng không thưa anh?
Đúng vậy. Và điều này có tính triết học, tính quy luật nên không thể bác bỏ được.
Làm thế nào để anh truyền cảm hứng và xây dựng ý thức đó trong xã hội?
Đó là những hoạt động tiếp theo chúng tôi sẽ làm. Hiện tôi đã có một quỹ giáo dục, quyên góp từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, hướng đến việc ươm mầm phát triển những KTS trẻ có tâm huyết và trái tim lớn, dám dấn thân. Họ tham gia cùng chúng tôi tạo ra những điển hình lớn để truyền cảm hứng cho xã hội.
Thông thường, một địa danh sẽ tạo nên dấu ấn với ba yếu tố chính: Thiên nhiên, con người, kiến trúc. Việc theo đuổi triết lý kiến trúc ngạc nhiên bền vững có phải cũng là một cách để anh làm cầu nối kết nối Việt Nam với thế giới?
Chính xác! Ngạc nhiên bền vững là kết quả và mục tiêu của kiến trúc sư. Tôi gọi KTS đó là KTS hạnh phúc, họ chỉ vì hai thứ thôi: Vì con người và tương lai của văn hóa. Ngoài hai yếu tố đó ra, không được nhân danh gì hết. Chuyện hạnh phúc bền vững của đời người mà tôi nói đến thừa hưởng kết quả của một công trình nghiên cứu về khoa học tâm lý. Công trình này đã kết luận rằng: Hạnh phúc bền vững của đời người đến từ 3 nhóm chính. Đầu tiên là yếu tố bên ngoài, chiếm từ 10 -15%, đó là những vấn đề ngoại cảnh như bạn sinh ra trong một gia đình giàu có, bạn sống trong một ngôi nhà đẹp… 40-45% phụ thuộc vào mã gen, những điều rất khó thay đổi như: Bạn sinh ra là người hướng nội, thích màu đỏ, logic, nhạy cảm… 40-45% còn lại là hoạt động có ý thức của con người. Nếu chúng ta hoạt động có chủ ý hướng thượng trong một thời gian dài, điều đó có thể gia giảm hàm lượng hạnh phúc bền vững của đời người. Kết luận của công trình này rất trùng với những gì chúng tôi làm. Chúng tôi làm kiến trúc xã hội cộng đồng, hướng đến các giá trị nhân văn trong một thời gian dài và vẫn tiếp tục hành trình này. Điều này có vẻ như làm nên rất rõ con người chúng tôi. Trong triết lý kiến trúc hạnh phúc của chúng tôi, KTS đóng vai trò là người dẫn dắt, dấn thân và tác động lại xã hội. Trách nhiệm của KTS ở những nước nghèo và kém phát triển là tiếp biến văn hóa, bảo vệ tiếng nói của những cộng đồng yếm thế, bảo vệ sự đa dạng của trái đất và làm sâu sắc thêm bản sắc của đô thị. Nhưng, triết lý kiến trúc hạnh phúc và ngạc nhiên bền vững cuối cùng vẫn phải vì cộng đồng hạnh phúc.
Thời gian tới, ngoài những công trình nhà cộng đồng như hiện tại, anh còn những dự định nào khác?
Chúng tôi có rất nhiều những công trình mang tính cộng đồng khác như: Trường học, sân chơi trẻ em, nhà dưỡng lão, quảng trường đô thị, trẻ khuyết tật, thư viện mở… Hay có thể là những nhà máy xử lý rác thải nhưng không chỉ xử lý rác mà còn trở thành một nơi để tham quan, làm thế nào để chợ truyền thống có thể vận hành tốt trong xã hội hiện đại mà không biến thành siêu thị… Còn rất nhiều dự định phía trước.
Thời của kiến trúc sư dấn thân vì hạnh phúc
Nhưng với Văn phòng kiến trúc 1+1>2 do anh sáng lập, hình như không chỉ có các công trình cộng đồng?
Các công trình cộng đồng là phần miễn phí. Chúng tôi vẫn có mảng thiết kế văn phòng, khách sạn, resort, bảo tàng… Nhưng dù làm gì, chúng tôi vẫn luôn chia sẻ một triết lý chung: Chúng tôi chỉ làm những gì độc đáo. Khách hàng tìm đến chúng tôi là muốn tìm sự khác biệt và có yếu tố văn hóa trong công trình. Điểm mạnh của các thành viên trong 1+1>2 là coi trọng tính văn hóa trong kiến trúc. Làm sao để tạo ra được cái duy nhất, chỉ có dựa vào văn hóa để sáng tạo, phá cách, đột biến, đó là điều răn của chúng tôi.
Trách nhiệm của KTS ở những nước nghèo và kém phát triển là tiếp biến văn hóa, bảo vệ tiếng nói của những cộng đồng yếm thế, bảo vệ sự đa dạng của trái đất và làm sâu sắc thêm bản sắc của đô thị
Song hành với các bạn trẻ, anh nghĩ gì về cơ hội của ngành kiến trúc Việt Nam?
Không có nhiều lĩnh vực Việt Nam đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi lớn mang tầm quốc tế như ngành kiến trúc. Mình đánh thẳng vào những trung tâm kiến trúc thế giới và ghi dấu ấn, thành dòng hẳn hoi và thể hiện rõ nét tính bản địa, nhưng ngôn ngữ và tư duy của chúng ta thực sự đã ở tầm quốc tế.
Hiện tại, còn những vấn đề gì khiến anh vẫn trăn trở?
Làm sao để có thể làm ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa, công nghệ của mình phải tốt hơn nữa. Ý tưởng của mình tốt, nhưng hệ thống vận hành chưa thực sự chuyên nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ đầu tư nhiều hơn cho các xưởng thử nghiệm vật liệu mới để ứng dụng vào các công trình. Một việc khác nữa là nâng tỷ lệ giá trị của ngành thiết kế kiến trúc, trong khi phí thiết kế của nước ngoài ở mức 10% thì Việt Nam chỉ có 3%, chúng tôi muốn nâng tỷ lệ này lên, ít nhất là 6%.
Việc này xem ra không dễ phải không anh?
Khó mấy cũng có lời giải, vì điều đó là vô lý. Trong sự vô lý chắc chắn đã chứa lời giải rồi, quan trọng là ai và khi nào. Chúng tôi luôn sống theo cách đó, đi tìm những điều vô lý và nghĩ đến những điều không tưởng. Điều đó làm cho cuộc sống luôn thú vị.
Nhưng anh dành nhiều tâm huyết cho nông thôn như vậy thì có vẻ hơi thiệt thòi cho đô thị, bởi đô thị Việt Nam cũng rất cần những KTS dấn thân?
Chúng tôi có một loạt những dự án đô thị, có dự án làng trường học, làng bệnh viện, làng treo trên cao… Mở ra những biên mới, gợi mở những sáng tạo mới. Hay như trước nay sông Hồng chỉ là nơi để người dân đi qua mà chưa thể hiện được nhiều vai trò, chúng tôi cũng có những dự án hy vọng làm sống dậy sông Hồng và phục vụ con người.