Công trình hai lớp học thân thiện môi trường tại điểm trường Đao- Lào Cai

Dự án được phát triển và tài trợ chính bởi Tổ chức Sao Biển (tổ chức phi chính phủ Áo), đồng tài trợ bởi Công ty TNHH Oriflame Việt Nam, bà Thái Lan Anh và vợ chồng anh chị Nguyễn Hải, Châu Huyền. Dự án do Doanh nghiệp Xã hội Bền vững Việt Nam (VSSE) triển khai và phối hợp thiết kế cùng Công ty Cổ phần kiến trúc xây dựng Quốc tế 1+1>2.


Chính quyền, cộng đồng địa phương, các đơn vị dự án, Nhà trường, cha mẹ và các em học sinh tại buổi lễ khánh thành


Phòng học tạm trước đây

Điểm trường Đao - Trường Tiểu học số 2 Xuân Hoà nằm tại xã Xuân Hòa – thuộc khu vực 3 của Chương trình 135 (xã đặc biệt khó khăn) tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Trường hiện có 78 học sinh đang theo học với độ tuổi từ 6 đến 11, tương ứng với lớp 1 đến 5. Trước đây, trường có hai phòng học tạm dành cho hơn 20 học sinh lớp 3 và lớp 4 chỉ được lắp ghép bởi tấm gỗ và che chắn bằng vải bạt mà không đảm bảo tiêu chuẩn phòng học.

Giáo dục tiểu học là một quyền cơ bản của con người. Mỗi trẻ nhỏ không những cần được đi học, mà còn cần đi học trong điều kiện phù hợp nhất có thể để nuôi dưỡng tiềm năng và phát triển một tương lai tươi sáng hơn. Trẻ nhỏ ở vùng sâu vùng xa lại càng cần nhận được quan tâm bởi các em sẽ đóng góp tích cực vào phát triển cộng đồng địa phương.

Dựa trên bối cảnh và đặc điểm địa hình khu vực miền núi phía bắc và tính đa dạng văn hóa dân tộc (Tày, Nùng, Dao và Mông) tại nơi đây, ngay từ ban đầu, dự án đặt ra mục tiêu xây dựng hai phòng học đảm bảo Tiện nghi, Thân thiện môi trường và giữ gìn Bản sắc địa phương.


Lớp học mới Tiện nghi, Thân thiện với môi trường và đậm Bản sắc địa phương


Hệ cửa sổ, gạch hoa, mái lợp đảm bảo tiện nghi ánh sáng, thông thoáng, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông

Cụ thể, hai lớp học có thiết kế nhiều lỗ mở với kết cấu cửa sổ và hệ gạch hoa giúp tận dụng ánh sáng tự nhiên và đón gió đảm bảo thoáng mát vào hè. Đặc biệt hệ tường gạch đất bao gồm hơn 3000 viên gạch đất với độ dày 15cm. Gạch được sản xuất từ nguồn đất khu vực xã Minh Bảo, huyện Yên Bình, Yên Bái và được nén, hoàn toàn không qua nung như gạch thông thường. Đây được coi là vật liệu không phát thải C02, đảm bảo thân thiện môi trường.

Kết hợp với hệ mái lợp trải rộng liền mạch cho 2 lớp học sử dụng khoảng 4000 lá khô được thu thập trực tiếp tại địa phương đảm bảo che nắng vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông. Ý tưởng mái lá dựa trên kinh nghiệm địa phương cũng như khẳng định thông qua kết quả nghiên cứu mô phỏng tiện nghi của chuyên gia từ CHLB Đức.


Kết quả nghiên cứu mô phỏng tiện nghi của nhóm dự án đến từ chuyên gia từ CHLB Đức


Không gian mở giữa hai lớp học tạo điều kiện giao lưu giữa các em học sinh

Đặc biệt, dự án ghi dấu đa dạng bản sắc địa phương khi xét đến không gian tương tác mở ở giữa hai lớp học đảm bảo các em học sinh thuộc các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau - Tày, Nùng, Dao, Mông có thêm nhiều không gian giao lưu, vui chơi, trao đổi văn hóa, ngôn ngữ.

Công trình đồng thời nhận được sự tham gia đóng góp từ cộng đồng địa phương, cha mẹ học sinh và đoàn thanh niên như quá trình đào móng, vận chuyển gạch, thu lá khô. Đây là cơ sở để công trình trở thành tài sản chung dành cho các thế hệ tương lai của địa phương cùng học tập và phát triển.


Chính quyền, cộng đồng địa phương, cha mẹ học sinh và đoàn thanh niên cùng tham gia đóng góp cho dự án


Chính quyền địa phương, Nhà trường và cha mẹ học sinh tham quan công trình


“Chúng em có phòng học mới!”

Nay công trình đã được hoàn thiện với cơ sở hạ tầng tiện nghi toàn diện giúp các em nhỏ đi học với niềm hứng khởi, khích lệ những giáo viên yêu nghề mến trẻ cống hiến, khiến phụ huynh an tâm làm việc và hứa hẹn một cộng đồng với trình độ học vấn cao hơn và phát triển tích cực hơn.

Trần Thị Thu Phương - Sáng lập Doanh nghiệp Xã hội Bền vững Việt Nam, Đơn vị Triển khai Dự án