Trung Cộng Đồng Gốm Bát Tràng
Những sản phẩm gốm Bát Tràng tạo ra trên bàn xoay thợ thủ công lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nằm ở cửa ngõ đón khách du lịch, vị trí công trình là điểm nhấn quan trọng trong quy hoạch làng. Đối diện kênh Bắc Hưng Hải nối với sông Hồng, dự án hy vọng góp phần tái hiện khung cảnh “trên bến dưới thuyền” tấp nập của chợ gốm sứ xưa.
Nghiên cứu kỹ khu vực, đặc biệt quan tâm tới không gian cảnh quan, tương quan tỷ lệ với công trình hiện có, nhóm tác giả đề xuất chiều cao tòa nhà phía ngoài không quá 3 tầng, tạo hài hòa, thân thiện với bối cảnh.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh bàn xoay động, như quá trình người thợ chuốt khối đất sét, thổi hồn thành tác phẩm. Hình khối công trình là kết quả 7 bàn xoay gốm đấu vào nhau. Ngoài ra, tôn trọng nét mộc mạc, bình dị của làng gốm, các vật liệu địa phương như gạch nung và ngói Bát Tràng được sử dụng triệt để.
Không chỉ là trung tâm văn hóa gốm sứ, công trình là không gian sinh hoạt cộng đồng, gắn kết người dân Bát Tràng. Toàn bộ mặt bằng tầng một giải phóng thành không gian mở, kết nối với sông Bắc Hưng Hải, tổ chức hội chợ, các hoạt động văn hóa. Không gian tầng hai là khu triển lãm lịch sử gốm sứ Bát Tràng qua các thời kỳ, tái hiện hình ảnh lò bầu, lò hộp, lò ga … Tầng ba trưng bày các tác phẩm gốm đương đại, nói lên sự đổi mới không ngừng của Bát Tràng. Với mục đích phát triển du lịch làng nghề, dự án kết hợp xưởng trải nghiệm làm gốm thủ công cho khách tham quan, học sinh sinh viên tại tầng trệt.
Tổ hợp triển lãm kết hợp trải nghiệm làng nghề góp phần đổi mới Bát Tràng, thúc đẩy giao lưu văn hóa, đóng góp vào phát triển chung thủ đô. Thiết kế cải thiện cảnh quan khu vực sông Bắc Hưng Hải, tương thích với bối cảnh xung quanh.