Sân chơi An Mỹ
Sau khi phương án tổ chức không gian được sự đồng thuận với người dân và chính quyền địa phương thông qua Charrette, nhóm KTS 1+1>2 được trao nhiệm vụ thiết kế chi tiết. Hỗ trợ cho các KTS là cán bộ Trung tâm Hành động vì Sự phát triển Đô thị, cán bộ phường, tình nguyện viên. Chúng tôi tỏa đi khắp các sân chơi ở Hội An và Đà Nẵng, ghi chép, hỏi ý kiến trẻ em và cha mẹ, quan sát cách các em chơi. Nhiều lúc chúng tôi quên mình đang làm việc, vì cũng “nhập cuộc chơi” luôn. Cuối cùng thì bản thiết kế được đưa ra lấy ý kiến của trẻ em và cha mẹ.Bao nhiêu trò chơi trên sân cũng không đủ với các em, và KTS liên tục phải điều chỉnh thiết kế để các em có nhiều cách chơi nhất: leo trèo, bập bênh, đu quay, bò và trườn qua đường hầm, đi thăng bằng, cầu trượt, thậm chí là đấm bốc. Cha mẹ các em thì lo lắng về độ an toàn, và kết quả là mái lá “sinh thái và thơ mộng” của Nhóm 1+1>2 “bị”thay thế bằng mái tôn để đảm bảo không bị tốc mái mùa bão. KTS lúc này phải kiên nhẫn lắng nghe và tìm ra giải pháp hợp lý cho mong muốn của cả 2 nhóm: trẻ em muốn chơi nhiều trò mạo hiểm và cha mẹ chỉ muốn các trò chơi an toàn. Làm thế nào để trẻ em vui và cha mẹ chúng yên tâm là thách thức lớn đối với Nhóm 1+1>2. May mà chúng tôi không gặp nhiều sức ép về thời gian, nên các vòng đàm phán liên tục được tiếp diễn cho tới khi tất cả các bên đều hài lòng. KTS dành nhiều thời gian gặp gỡ, nói chuyện, dàn hòa, thương lượng. Thay vì bàn làm việc ở văn phòng, chúng tôi làm việc ở quán nước, sân trường, hội trường nhà văn hóa, thậm chí là trên bờ ruộng (vì người dân vùng này làm nông). Vấn đề mấu chốt là niềm tin” sân chơi của cộng đồng, nên tiếng nói của họ phải được tôn trọng”.
Nếu bạn đến công trường, bạn không phân biệt ai là KTS, ai là nhóm thợ thi công, ai là ban giám sát cộng đồng, họ liên tục đổi chỗ cho nhau. Ban giám sát cộng đồng vào cuộc cùng nhóm thợ, người thì san nền, người thì dựng cột tre, người thì buộc ván sàn. Nhóm thợ thi công thì đưa ý kiến cải thiện chất lượng, còn KTS “chân lấm tay bùn” miệng nói tay làm. Đặc biệt, trẻ em thường xuyên ghé thăm công trường, bàn tán sôi nổi. Mỗi ngày, công trường càng thêm đông người hơn, và dần dần thì cộng đồng hoàn toàn thay thế nhóm thợ. Đến gần ngày khánh thành, cả cộng đồng dân cư ra sân: trẻ em đi xúc cát, phụ nữ nhổ cỏ, nam giới trồng cây và dựng hàng rào. Chi phí nhân công ngày càng giảm, nhưng tổng chi phí lại tăng vì cộng đồng “hiến kế” thêm nhiều hạng mục. Dường như “cuộc du ngoạn” này không có hồi kết. Nhiều thách thức ngoài sức tưởng tượng đã xảy ra. Đầu tiên là việc trẻ em liên tục tìm cách đột nhập vào sân chơi mặc dù công trường đang thi công. Chúng không thể đợi đến khi công trình khánh thành, và vì vậy chúng tôi phải tăng cường phương án bảo vệ. Tiếp theo là việc đảm bảo sự tham gia của cộng đồng nhưng không ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Các thành viên cộng đồng mong muốn đóng góp sức lao động, tuy nhiên họ cũng rất bận rộn. Làm thế nào để “chừa lại” những phần việc như san nền, buộc tre, làm hàng rào, trồng cây cho cộng đồng, mà vẫn phối hợp nhịp nhàng với các nhóm thợ khác. Nhóm 1+1>2 đã học cách làm việc thảnh thơi, nhưng vẫn đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Đau đầu nhất là tìm cách bảo dưỡng sân chơi một cách bền vững. Nhiều sáng kiến được đưa ra, như quỹ cộng đồng dành 2-3 triệu đồng/năm, gây quỹ từ doanh nghiệp địa phương, xin kinh phí của phường và thành phố. Sáng tạo nhất là phương án mời một người dân cạnh sân chơi mở quán nước, phục vụ ngay tại chỗ cho khách đến chơi, đặc biệt là cho các bậc phụ huynh. Một phần nguồn thu từ quán nước sẽ được sử dụng để bảo dưỡng sân chơi, và đặc biệt quyền lợi của người chủ quán nước gắn liền với việc sân chơi được hoạt động tốt. Từ đầu đến cuối, dự án sân chơi An Mỹ luôn gây bất ngờ bởi sự sáng tạo không ngừng của người dân, của Nhóm KTS 1+1 >2 và tất cả những người tham gia.
Sân chơi An Mỹ là mô hình đầu tiên và sẽ là mô hình mẫu cho việc cải tạo và xây dựng các sân chơi, khu công cộng ở Hội An cũng như nhiều thành phố trên cả nước, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển không gian công cộng, không gian mở.